Pages

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Bệnh thủy đậu và các biến chứng của bệnh thủy đậu cần lưu ý


Bệnh thủy đậu còn được gọi là phỏng dạ hay trái rạ. Bệnh do virut Varicella Zoster gây ra. Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào lúc giao mùa đông -  xuân và dễ lây lan thành dịch. Bệnh có thể gặp ở người lớn nhưng chủ yếu xuất hiện ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không có biện pháp chăm sóc và điều trị đúng.
Đường lây truyền của bệnh thủy đậu
Bệnh lây theo đường hô hấp và theo các nốt thủy đậu bị vỡ ra, trên một cơ thể khi dịch tiết của nốt thủy đậu chảy đến đâu làm xuất hiện các nốt thủy đậu đến đó. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em, ngày nay do virut có nhiều biến đổi nên bệnh thủy đậu còn gặp ở thanh thiếu niên, người lớn tuổi nhưng chủ yếu vẫn ở những đối tượng chưa có miễn dịch (chưa có kháng thể) chống lại virut Varicella Zoster. Lý do chưa có miễn dịch có thể trẻ không được tiêm phòng bằng vaccin thủy đậu hoặc được tiêm phòng bằng vaccin thủy đậu nhưng vì lý do nào đó, cơ thể của trẻ không đáp ứng miễn dịch (ví dụ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn, còi xương, suy dinh dưỡng, tiêu chảy...) hoặc vaccin đưa vào cơ thể không đủ liều, hoặc do bảo quản vaccin không tốt làm ảnh hưởng đến chất lượng của vaccin...
Triệu chứng của bệnh thủy đậu
- Sốt là triệu chứng đầu tiên, thường sốt trên 38oC.
- Viêm long, xuất tiết đường hô hấp trên.
- Nổi các nốt sẩn màu đỏ khắp cơ thể sau khi sốt nhưng thường hay gặp nhất là vùng da đầu, vùng gáy, bụng, lưng, ngực, tứ chi. Các nốt sẩn dần dần sẽ hình thành các bọng nước (mụn nước). Đặc điểm của nốt thủy đậu là chỉ có một ngăn cho nên khi bị xước thủng là chảy dịch ra và xẹp ngay.
- Ngứa: Các nốt sẩn thường gây ngứa. Nếu gãi làm xây xước hoặc làm vỡ nốt phỏng thì dễ bị nhiễm vi khuẩn, nốt phỏng vỡ ra, dịch của chúng chảy đến đâu sẽ làm xuất hiện các nốt sẩn, phỏng đến đó. Đây là hình thức lây lan ngay trên cơ thể người bệnh. Các nốt phỏng mọc từng đợt, lớp này mất đi thì lại xuất hiện lớp khác. Nếu giữ vệ sinh da không tốt và gãi làm xây xước thì việc điều trị càng phức tạp hơn và hậu quả sẽ để lại sẹo sâu, khó hồi phục (tùy theo mức độ nhiễm vi khuẩn, loại vi khuẩn và phương thức điều trị).
Đối với các trường hợp da được giữ vệ sinh sạch sẽ thì các nốt thủy đậu sẽ tồn tại trong vòng trên dưới một tuần lễ rồi bong vảy, xẹp và có thể để lại sẹo nhưng sẹo nông, sẹo sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.
Bệnh thủy đậu có gây  biến chứng không?
Biến chứng hay gặp nhất là thủy đậu bị nhiễm trùng làm cho bệnh lâu khỏi và khi khỏi dễ để lại sẹo sâu. Nếu thủy đậu mọc nhiều trên da và niêm mạc có thể gây viêm niêm mạc miệng, âm hộ, viêm tai giữa, tai ngoài. Trong một số trường hợp nặng có thể gây viêm thận gây tiểu ra máu nhưng sau vài tuần sẽ khỏi. Ngoài ra còn có một số biến chứng nguy hiểm như gây viêm màng não, viêm thanh quản... đặc biệt thủy đậu ở người lớn dễ gây biến chứng viêm màng não, nguy hiểm nhất là gây tử vong. Biết như vậy để khi trẻ bị thủy đậu (ngay cả người trưởng thành) không được chủ quan.
Bệnh thủy đậu dễ nhầm với bệnh gì?

Đối với bệnh thủy đậu trong giai đoạn đầu khi có sốt, kèm theo xuất tiết đường hô hấp trên có thể nhầm với viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn. Khi có các nốt sẩn màu đỏ có thể nhầm với sốt phát ban (ví dụ như bệnh sởi). Khi các nốt sẩn có ngứa thì dễ nhầm với viêm da dị ứng. Có những trường hợp thủy đậu chỉ xuất hiện một số nốt thủy đậu ở tứ chi kèm theo ngứa và có nốt phỏng có thể nhầm với ghẻ (ghẻ không bao giờ có ở mặt). Nếu thủy đậu có biến chứng thì việc chẩn đoán còn phải cân nhắc và cần dựa vào nhiều yếu tố khác để chẩn đoán, ví dụ như tính chất dịch tễ học, một số chỉ số về cận lâm sàng...

Làm thế nào phòng ngừa bệnh thủy đậu?
Đối với trẻ khi bị sốt đột ngột, nhiệt độ trên 38oC, kèm theo có viêm long đường hô hấp trên thì phải cho cháu đi khám bác sĩ ngay. Thầy thuốc sẽ chẩn đoán sớm bệnh, cho điều trị và các tư vấn cần thiết cho người mẹ để bệnh chóng khỏi và tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Người lớn tuổi tuy tỷ lệ mắc thủy đậu thấp hơn trẻ nhỏ nhưng khi nghi ngờ thì không nên chần chừ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, bệnh chóng khỏi, tránh lây lan cho người khác nhất là trong gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt là tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để phòng bệnh thủy đậu, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ. Khi có trẻ mắc bệnh thủy đậu cần có biện pháp cách ly với các cháu lành. Nếu có thể khi tiếp xúc cần đeo khẩu trang (ngay cả người lớn khi tiếp xúc với cháu bị thủy đậu) bởi vì bệnh thủy đậu rất dễ lây theo đường hô hấp. Không dùng chung quần áo, khăn mặt của cháu bị bệnh thủy đậu. Không nên quan niệm trẻ mắc bệnh thủy đậu là kiêng tắm. Ngược lại, da của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh bị bội nhiễm vi khuẩn gây loét các nốt thủy đậu nhưng cần tắm nước ấm, tránh gió lùa, tắm nhanh và sau khi tắm xong cần lau thật khô da bằng khăn sợi bông và mặc quần áo ngay cho trẻ (tránh bị cảm lạnh đột ngột do tắm). Cần cho trẻ mắc bệnh thủy đậu ăn uống đầy đủ chất để tạo điều kiện tốt cho cơ thể trẻ sinh kháng thể chông lại tác nhân gây bệnh.